Triệu chứng của bàng quang tăng hoạt là gì, làm thế nào để điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt không cần dùng đến thuốc mà vẫn mang lại hiệu quả cao là những vấn đề mà nhiều người thắc mắc. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn một số bài tập giúp cải thiện đáng kể triệu chứng của bệnh. Hãy cùng tìm hiểu!
Triệu chứng của bàng quang tăng hoạt là gì?
Bàng quang tăng hoạt (bàng quang kích thích) là tình trạng bàng quang co bóp quá mức gây ra những triệu chứng như:
– Tiểu gấp: Tiểu một cách đột ngột, cần phải đi tiểu ngay và rất khó có thể nhịn được.
– Tiểu nhiều lần: Bệnh nhân đi tiểu nhiều hơn 8 lần/ngày và lượng nước tiểu mỗi lần đi là rất ít.
– Tiểu đêm: Bệnh nhân thường phải thức dậy nhiều hơn một lần để đi tiểu, trường hợp bệnh nặng có thể tiểu đêm 5-6 lần.
– Tiểu gấp không kiểm soát: Bệnh nhân thường tiểu không tự chủ kèm theo sau cảm giác tiểu gấp, còn gọi là tiểu són.
Một số bài tập giúp bạn hạn chế đáng kể triệu chứng của bàng quang kích thích
Hội chứng bàng quang kích thích có thể gặp ở cả nam và nữ, và đặc biệt có thể gặp ở cả trẻ em. Nếu không điều trị kịp thời thì bệnh sẽ tiến triển nặng hơn và có thể gặp nhiều biến chứng. Dưới đây là một số bài tập giúp bạn hạn chế các triệu chứng bệnh:
Tập kìm nén và kiểm soát tiểu gấp
Bệnh nhân bị tiểu gấp hoặc tiểu gấp không kiểm soát thường phải vội vã vào nhà vệ sinh ngay khi có cảm giác mắc tiểu. Hành động này làm tăng áp lực trong bụng, dễ kích thích bàng quang co bóp nên càng làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh. Một số lời khuyên sau đây có thể giúp bạn kìm nén cảm giác mắc tiểu:
– Ngồi xuống, hít thở sâu và thư giãn
– Làm xao nhãng cảm giác muốn tiểu (chẳng hạn như tập trung chơi ô sắp chữ, hoặc suy nghĩ về những việc khác, hoặc đếm số thứ tự từ 1 đến 100…)
– Chủ động co thắt cơ đáy chậu (hoặc co thắt mạnh và nhanh 5-6 lần, co thắt vừa phải và giữ 10 giây). Việc làm này có thể ngăn chặn sự co thắt trong niệu đạo, tránh nước tiểu đi xuống đầu niệu đạo làm kích thích cơ chóp bàng quang.
Bài tập kìm nén giúp kiểm soát tình trạng tiểu gấp
Tập luyện bàng quang
Tập đi tiểu theo giờ
Nhiều bệnh nhân thường cố đi tiểu nhiều lần để tránh bị són tiểu mà ý thức được rằng việc làm này có thể làm nặng thêm triệu chứng bệnh. Vì thế, bạn nên có kế hoạch đi tiểu theo giờ, tập kìm nén cảm giác mắc tiểu nếu chưa đến thời gian quy định, khoảng thời gian thích hợp giữa 2 lần đi tiểu là 2-3h, và không nên có thói quen đi tiểu ngay khi có cảm giác khác lạ trong bàng quang. Việc lên kế hoạch cũng nên uyển chuyển, không nên quá cứng nhắc, tùy vào dung tích chứa của bàng quang, lượng nước uống hàng ngày, loại công việc, nhiệt độ của môi trường làm việc…
Bạn nên tập kéo dài thời gian giữa các lần đi tiểu, bắt đầu từ 30 phút và dần dần tăng lên khoảng 3,4h.
Luyện tập bài tập kép
Đây là việc đi tiểu hai lần trong thời gian ngắn. Cụ thể, sau khi đã đi tiểu, hãy chờ 20-30s sau đó nghiêng người về phía trước và cố gắng đi tiểu một lần nữa.
Tập luyện co thắt sàn chậu
Trong hội chứng bàng quang kích thích, tập cơ đáy chậu có tác dụng hỗ trợ việc kìm nén đi tiểu giúp giảm tình trạng tiểu gấp hay tiểu gấp không kiểm soát hiệu quả.